Doanh nghiệp ngoại đua tung sản phẩm bền vững ở Việt Nam

Năm 2022, Coca-Cola bắt đầu sử dụng loại chai làm từ 100% nhựa tái chế rPET (trừ nắp và nhãn) tại Việt Nam. Họ đặt mục tiêu đến 2030 thu gom và tái chế toàn bộ lượng chai, lon bán ra và sử dụng ít nhất một nửa vật liệu tái chế trong bao bì.

Thực tế, 14 năm qua hãng nước giải khát này đã “đầu tư hàng triệu USD” vào các dự án xã hội, gồm thu gom và tái chế rác thải nhựa. Từ tháng 9, để truyền cảm hứng cho người tiêu dùng, họ kết hợp với startup Botol lắp đặt các máy thu gom chai và lon tại các khu dân cư và trường đại học ở TP HCM.

Không chỉ trong tiêu dùng, những sản phẩm bền vững phục vụ phân khúc công nghiệp, xây dựng cũng sôi động ra đời. Ba tháng trước, Signify Việt Nam tung ra EcoSet – một giải pháp thông minh và tiết kiệm chi phí phù hợp cho các ứng dụng như nhà kho, cơ sở công nghiệp và văn phòng.

Ông Sử Ngọc Danh, Giám đốc kinh doanh Signify Việt Nam cho biết giải pháp này giúp các nhà máy tiết kiệm năng lượng tới 60%. Trong ngành chiếu sáng, doanh nghiệp đến từ Hà Lan này đang cạnh tranh bằng các giải pháp với hiệu suất 170 lm/W, thậm chí 210 lm/W (đơn vị đo cường độ ánh sáng, chỉ số càng cao thì tốn điện càng ít), tiết kiệm năng lượng lên đến 50%.

Chuyên gia Signify Việt Nam thuyết minh về các sản phẩm chiếu sáng. Ảnh: Signify Việt Nam

Trong bối cảnh các công trình tiêu chuẩn xanh từ văn phòng đến nhà xưởng đang rầm rộ mọc lên, sản phẩm bền vững là cách để các doanh nghiệp “bắt trend”.

“Hơn 60% doanh thu của chúng tôi đến từ các sản phẩm liên quan tới khí hậu”, ông Danh tiết lộ tại Signify Innovation Day 2024, hôm 21/11.

Vài ông lớn nước ngoài còn xem Việt Nam như một cứ điểm để sản xuất sản phẩm bền vững phục vụ xuất khẩu. Đầu tháng này, Lego cho hay nhà máy tỷ USD tại Bình Dương là cơ sở “xanh” nhất của tập đoàn này, dự kiến sản xuất thương mại vào quý đầu 2025. Họ đã lắp đặt 12.400 tấm pin mặt trời áp mái (công suất 7,34 MWp), tương đương nguồn điện cung ứng cho 1.270 hộ gia đình một năm tại nhà máy này.

Hay SCG (Thái Lan) cũng mở rộng sản xuất dòng xi măng carbon thấp (SCG Low Carbon) tại miền Nam. Theo thông tin doanh nghiệp này tự công bố, đây là sản phẩm xi măng giảm 20% lượng phát thải carbon so với loại thông thường nhờ công nghệ sản xuất xanh (sử dụng năng lượng tái tạo, hệ thống thu hồi nhiệt…). Lãnh đạo công ty cho hay việc mở rộng giúp tập đoàn đạt công suất từ 6.000 – 8.000 tấn xi măng mỗi ngày, đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu sang Mỹ, Canada, các nước Thái Bình Dương.

Xi măng carbon thấp của SCG tại Việt Nam. Ảnh: SCG Việt Nam

Ông Supakit Phucharoensilp, Giám đốc khối nhà máy xi măng SCG Việt Nam nói động lực của họ là thúc đẩy xu hướng xây dựng bền vững.

Doanh nghiệp trong ngành xác nhận điều này. “Thị trường vật liệu xây dựng xanh tăng trưởng mạnh mẽ, khi yếu tố bảo vệ môi trường và giảm phát thải carbon được ưu tiên hàng đầu”, bà Cao Thị Nhâm, đại diện công ty Thương mại và dịch vụ Phạm Duy Anh – nhà phân phối vật liệu xây dựng nói.

Ngoài tăng cạnh tranh, việc mở rộng thêm dãy sản phẩm “xanh”, đáp ứng các chuẩn ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) giúp các doanh nghiệp hấp dẫn trong thu hút đầu tư. Theo nghiên cứu của hãng kiểm toán Ernst & Young, 90% tổ chức đầu tư toàn cầu xem xét lại việc đầu tư nếu các doanh nghiệp không cân nhắc các tiêu chí ESG trong mô hình kinh doanh.

Tuy nhiên, việc đầu tư làm sản phẩm bền vững còn thách thức. Doanh nghiệp ngoại thường có lợi thế về tài chính và kiến thức để sản xuất các sản phẩm bền vững, như một phần của chiến lược tổng thể về ESG của họ. Trong khi các công ty nội địa phải nỗ lực hơn.

Một khảo sát thực hiện bởi Ernst & Young cùng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với các doanh nghiệp niêm yết trên HNX và HOSE năm 2021 cho biết hơn một nửa công ty thừa nhận khó khăn trong tích hợp ESG. Trở ngại phổ biến là cách xác định chủ đề ESG trọng yếu, đảm bảo tính nhất quán của các giải pháp. Doanh nghiệp vừa và nhỏ với nguồn lực hạn chế còn thiếu thời gian, kiến thức, năng lực hoặc kinh phí để giải quyết các vấn đề mới và phức tạp về ESG.

Nhiều doanh nghiệp băn khoăn về chi phí hay nhận thức thị trường. Nhưng họ cho rằng các rào cản này cũng đi kèm cơ hội. Rick van der Linden, Giám đốc điều hành Royal De Heus Vietnam nói các công ty thường cho rằng “xanh” luôn đi kèm với tốn kém. Nhưng thực hành bền vững có thể mở ra giải pháp tiết kiệm. “Với công ty có 17 nhà máy tại Việt Nam như chúng tôi, việc giảm sử dụng năng lượng có thể bắt đầu với chiếu sáng”, ông ví dụ.

Ông Sử Ngọc Danh ước tính một số khu vực chiếu sáng đường phố và công cộng, thậm chí nhà máy vẫn dựa nhiều vào chiếu sáng truyền thống, dưới 50% áp dụng công nghệ LED. Đây chính là bài toán nâng cao nhận thức nhưng đồng thời là cơ hội lớn để họ cung cấp các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Viễn Thông

Leave a Comment