‘Kinh tế tóc bạc’ phát triển ở Trung Quốc

Mỗi thứ Tư, bà Zhang Zhili dành một giờ đi xe buýt đến lớp học chơi trống châu Phi. Ở tuổi 71, bà Zhang tìm thấy niềm vui và bạn mới tại ngôi trường dành cho người cao tuổi ở Bắc Kinh.

Ngoài lớp chơi trống, cựu giáo viên tiểu học này còn tham gia môn khiêu vũ giao lưu, với học phí hai lớp tổng cộng 2.000 nhân dân tệ (280 USD) cho một học kỳ. Việc nhìn thấy mình đứng thẳng trong lớp nhảy giúp bà tăng thêm tự tin. Sau giờ học, bà thường đi chơi cùng bạn bè. “Khi chúng ta già đi, điều gì là cần thiết? Là yêu chính bản thân mình”, bà nói.

Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số nhanh chóng. Năm ngoái, khoảng 297 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm hơn một phần năm dân số. Dự báo đến 2035, con số này sẽ vượt 400 triệu, tương đương hơn 30% tổng dân số.

Nhiều người cao tuổi giờ tìm kiếm các dịch vụ đa dạng ngoài việc chọn đến viện dưỡng lão như truyền thống. Xu hướng này thúc đẩy sự bùng nổ của các trường học, dịch vụ chăm sóc tại nhà và nhiều cộng đồng cho người cao tuổi, được Bắc Kinh ví là “nền kinh tế tóc bạc” (Silver Economy).

Hu Zuquan, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin Nhà nước, dự kiến quy mô nền kinh tế này tăng từ khoảng 7.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 982 tỷ USD) hiện nay lên khoảng 30.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 4.200 tỷ USD) vào năm 2035, nâng tỷ trọng từ 6% lên khoảng 10% trong toàn bộ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Du Peng, Trưởng khoa Dân số và Sức khỏe tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh cho biết chính phủ đang mở rộng các dịch vụ chăm sóc cơ bản cho tất cả người cao tuổi, vượt ra ngoài trọng tâm truyền thống là những người neo đơn. Năm ngoái, giới chức đã biên soạn danh sách các dịch vụ chăm sóc cơ bản cần triển khai toàn quốc, bao gồm cung cấp các đánh giá năng lực cho những người trên 65 tuổi và trợ cấp đào tạo chăm sóc cho các thành viên gia đình của những người khuyết tật.

Lòng hiếu thảo ăn sâu vào nếp sống ở Trung Quốc và hầu hết người cao tuổi thích về già sống với gia đình sau khi nghỉ hưu, thường là khi họ ở độ tuổi 50 đến 60, một trong những độ tuổi nghỉ hưu trẻ nhất trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới. Nhiều người giúp chăm sóc cháu của họ và một số người xem vào viện dưỡng lão được coi là một dạng bỏ rơi, trừ trường hợp khó khăn nghiêm trọng.

Vào tháng 1, Bắc Kinh đã ban hành các hướng dẫn mới kêu gọi mở rộng các dịch vụ chăm sóc tại nhà và phát triển thị trường thời trang, thực phẩm và sản phẩm công nghệ phù hợp hơn với người cao tuổi. Các dịch vụ giáo dục giúp làm phong phú cuộc sống người về hưu cũng được khuyến khích.

Ông Du Peng cho rằng các dịch vụ tại nhà cung cấp một giải pháp thay thế hợp lý hơn cho viện dưỡng lão, giúp giảm chi phí chỗ ở. Hầu hết người cao tuổi ở Trung Quốc đều tương đối khỏe mạnh và cần cuộc sống văn hóa phong phú hơn.

Bà Cai Guixia trong lớp chơi trống. Ảnh: AP

Bà Cai Guixia, 60 tuổi, cho biết đã tìm thấy sự viên mãn trong các lớp học đánh trống châu Phi và làm người mẫu. Bà nghĩ rằng sẽ cảm thấy “bị bỏ rơi” trong một viện dưỡng lão thông thường nên thích thuê người giúp việc và đi học hơn. Liu Xiuqin, chủ sở hữu của hai viện dưỡng lão, đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh trong việc đáp ứng những nhu cầu đó.

Cô đã đầu tư hơn 800.000 nhân dân tệ (khoảng 112.000 USD) để mở một trường học ở Bắc Kinh. Bà Cai và bà Zhang nằm trong số 150 học viên tham gia các lớp khiêu vũ, ca hát, yoga và đào tạo người mẫu với mức học phí khoảng 1.000 nhân dân tệ (140 USD) cho mỗi học kỳ. Ngoài giờ học, Liu tổ chức các buổi sinh hoạt để học viên giao lưu.

Tuy nhiên kiếm lợi nhuận trên “nền kinh tế tóc bạc” còn thách thức. Liu hy vọng hòa vốn trong một năm nữa và tin vào tương lai của thị trường, vì thế hệ sinh ra vào những năm 1960 trở về sau coi trọng chất lượng cuộc sống và sức khỏe hơn cha mẹ họ. Theo cô, ngành này đòi hỏi sự kiên trì, không thể kiếm tiền nhanh.

Wu Tang đồng sáng lập một trường học vào năm ngoái ở Quảng Châu, sau khi doanh nghiệp khảo sát và điều tra địa kỹ thuật của anh bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái của thị trường bất động sản. Trường cung cấp các khóa học để giúp người già đạt được một số ước mơ thời thơ ấu. Vấn đề là hoạt động vẫn lỗ và anh phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các khóa học tài trợ từ ngân sách với học phí rẻ hơn.

Tại Bắc Kinh, công ty của Cui Yang cung cấp dịch vụ cắt tóc tại nhà với giá 30 nhân dân tệ (4,20 USD), đưa đón người già đến bệnh viện với giá 50 nhân dân tệ (7 USD) mỗi giờ, cùng các dịch vụ khác. Dù nhận được trợ cấp từ chính phủ, bao gồm miễn phí tiền thuê mặt bằng, Cui vẫn đang thua lỗ. Cô cho biết công việc kinh doanh này sẽ không thể tồn tại nếu không có trợ cấp.

Không chỉ có doanh nghiệp nhỏ gặp khó. Wu Wenjing, Trưởng bộ phận chăm sóc tại nhà của công ty con thuộc tập đoàn tài chính nhà nước China Everbright Group, hoạt động tại Trùng Khánh, cho biết đơn vị của bà thua lỗ liên tục trong 13 năm qua, khoảng một triệu nhân dân tệ (khoảng 140.000 USD) mỗi năm

Doanh nghiệp bà Wu có 70 nhân viên đảm nhiệm các vai trò như người chăm sóc, chuyên viên phục hồi chức năng và nhà trị liệu tâm lý, thường đến tận nhà khách hàng. Ngành này có tính cạnh tranh cao và tỷ lệ biến động nhân sự lớn do đặc thù công việc vất vả.

Bà hy vọng sẽ cân đối được thu chi trong 5 năm tới và phấn khởi với các nỗ lực của chính phủ trong việc phát triển nền kinh tế người cao tuổi. “Mùa xuân của ngành chăm sóc người cao tuổi ở Trung Quốc cuối cùng đã đến,” bà nói.

Nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực giành phần trong thị trường được chính phủ hỗ trợ này. Các nhà phát triển bất động sản như Vanke, Sino-Ocean Group cùng các công ty bảo hiểm như Taikang Insurance Group đã xây dựng các cộng đồng cao cấp dành cho người lớn tuổi với các tiện ích như phòng chiếu phim, phòng chơi mạt chược và dịch vụ ăn uống.

Trung Quốc cũng đang nỗ lực giải quyết vấn đề sa sút trí tuệ, cung cấp các bài kiểm tra sàng lọc nhận thức và đào tạo nhân viên làm việc tại các phòng khám trí nhớ hoặc với vai trò nhân viên xã hội. Một số công ty dược phẩm và công nghệ sinh học đang phát triển các loại thuốc điều trị bệnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác. Trong khi đó, một số trường học và nhà trẻ bị bỏ trống – hậu quả của tỷ lệ sinh giảm – đang được chuyển đổi thành cơ sở chăm sóc người cao tuổi.

Những nỗ lực của chính phủ trong việc hỗ trợ nền kinh tế người cao tuổi đang mang lại hiệu quả. Theo số liệu chính thức, đến tháng 6 năm nay, nước này có 410.000 cơ sở chăm sóc, gấp đôi so với hồi 2019

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi về khả năng chi tiêu của nhiều người Trung Quốc lớn tuổi. Một cuộc khảo sát toàn quốc năm 2021 do Bộ Nội vụ đồng tiến hành cho thấy người lớn tuổi có thu nhập trung bình hàng năm là 11.400 nhân dân tệ (1.574 USD. Ở các vùng nông thôn, con số này chỉ bằng một nửa.

Theo dữ liệu từ các cuộc khảo sát do Đại học Bắc Kinh thực hiện, hơn một trong 10 người Trung Quốc lớn tuổi đang sống trong cảnh nghèo đói. Vùng trũng về mức sống của người già là ở các vùng nông thôn và miền tây Trung Quốc.

Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao tại Natixis Corporate and Investment Banking, cho rằng “nền kinh tế tóc bạc” của Trung Quốc vẫn còn trong giai đoạn trứng nước. Theo ông, nếu người già không có đủ bảo hiểm để trang trải các chi phí y tế và các chi phí khác, họ phải dành tiền bạc cho các vấn đề này, làm hạn chế khả năng chi tiêu cho các sản phẩm, dịch vụ khác như mua sắm, học tập hay giải trí.

Theo ông, Bắc Kinh cần tiếp tục ưu đãi về thuế và đầu tư vào đào tạo lực lượng lao động lành nghề cho nền kinh tế này. “Có nhiều triển vọng ở đây, nhưng có vẻ như vẫn còn nhiều việc cần phải làm”, ông nói.

Phiên An (theo AP)

Leave a Comment