Báo cáo do công ty kiểm toán KPMG công bố tại Diễn đàn Mua bán – Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2024 do Báo Đầu tư tổ chức chiều 27/11 cho biết, tổng giá trị giao dịch của thị trường M&A Việt Nam 9 tháng đầu năm đạt 3,2 tỷ USD trong 9 tháng đầu 2024, tăng 45,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi, thị trường Đông Nam Á nhìn chung vẫn ảm đạm. Tổng giá trị giao dịch của Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines giảm 11,3% cùng giai đoạn. TS Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam nhận định thị trường Việt Nam tăng trưởng tích cực, một phần do mức nền so sánh thấp.
“Chúng tôi dự đoán quý IV có thể xuất hiện vài thương vụ khác, đưa tăng trưởng cả năm của giá trị M&A Việt Nam năm nay khoảng 10-20%”, ông nói.
Trong 9 tháng đầu, giá trị trung bình của một thương vụ tại Việt Nam là 56,3 triệu USD và cao nhất là 982 triệu USD. 88% giá trị giao dịch đến từ ngành bất động sản, tiêu dùng thiết yếu, công nghiệp. Nhà đầu tư trong nước đóng vai trò chính, chiếm 53% tổng giá trị giao dịch được công bố.
Điều này đồng thời cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài còn thận trọng. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, 10 tháng qua, chỉ có 2.669 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị hơn 3,68 tỷ USD, tương ứng giảm 10,4% về số lượt và giảm 29% về giá trị so với cùng kỳ.
“Sự trầm lắng này chỉ là vấn đề mang tính thời điểm do xu hướng chung của thị trường toàn cầu, kinh tế thế giới vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch và biến động địa chính trị trên thế giới”, ông Nguyễn Đức Tâm, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.
Các chuyên gia tại diễn đàn dự đoán thị trường M&A tiếp tục khởi sắc nhờ các yếu tố nền tảng tốt. Theo ông Tâm, mục tiêu tăng trưởng GDP 2025 là 6,5-7%, phấn đấu đạt 7-7,5% và hơn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục hoàn thiện các thể chế và chính sách, trình Quốc hội các dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) và các Luật sửa đổi liên quan đến đầu tư, quy hoạch, đấu thầu và PPP. Các dự luật này mang tư duy quản lý mới, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, tăng phân cấp, phân quyền.
Bà Võ Hà Duyên, Chủ tịch công ty Luật VILAF đánh giá Việt Nam đang trải qua giai đoạn năng động trong cải cách luật pháp liên quan đến quy trình đầu tư, thuế, xây dựng các chính sách dành riêng cho các ngành nghề.
Ví dụ, Luật Viễn thông thân thiện hơn cho nhà đầu tư trong việc phát triển trung tâm dữ liệu, dịch vụ viễn thông trên Internet. Thực thi CPTPP giúp vốn ngoại dễ tiếp cận hơn ngành trò chơi điện tử, bán lẻ. Cơ chế mua bán điện trực tiếp giúp nâng cao kỳ vọng cho những dự án năng lượng tái tạo mới.
Ông Nguyễn Công Ái nói thị trường M&A Việt Nam 2025 có thể “nở hoa”. Bất động, tiêu dùng, sản xuất tiếp tục là những ngành hàng đầu. Song song đó, công nghệ có thể sẽ “hot”, tài chính có thể được quan tâm lại, y tế và giáo dục cũng khả năng được chú ý. Ông Oh Hsiu-Hau, Luật sư điều hành Allen & Gledhill dự báo bất động sản, năng lượng tái tạo và chăm sóc sức khoẻ là 3 ngành sẽ thu hút.
Năm sau cũng có thể chứng kiến sự trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài như Nhật Bản, Singapore và lên ngôi của Mỹ, Trung. Trong 9 tháng đầu, thị trường vắng bóng nhà đầu tư Nhật Bản. “Nhà đầu tư Hàn Quốc cũng đang trở lại, đặt nhiều niềm tin và nhu cầu tăng”, Ông Đinh Thế Anh, Thành viên điều hành, Trưởng bộ phận tư vấn tài chính doanh nghiệp KPMG Việt Nam cho biết.
Tuy nhiên, thị trường M&A cũng còn một số thách thức. Theo ông Nguyễn Công Ái, thị trường thế giới tiếp tục chịu tác động về địa chính trị, chính quyền mới của ông Donald Trump có rủi ro làm tăng lạm phát, đồng nghĩa làm chậm quá trình giảm lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). “Các quỹ sẽ khó khăn hơn trong việc luân chuyển vốn ra nước ngoài đầu tư”, ông nói.
Sức hấp dẫn nội tại, xét theo công thức ESB (Môi trường – Người mua – Người bán) cũng còn vấn đề, theo Chủ tịch Dragon Capital Dominic Scriven. Với môi trường (Environment), 3,5 tỷ USD bị rút khỏi thị trường vốn 9 tháng đầu năm, lũy kế 3 năm qua là 6 tỷ USD. “Đây là con số điên rồ, không có cơ sở gì rõ ràng mà chỉ là vấn đề lòng tin còn yếu”, ông nói.
Bên bán (Seller) có cấu trúc nguồn cung khá cũ. 3 lĩnh vực lớn nhất trên thị trường vốn lần lượt là ngân hàng, bất động sản và tiêu dùng, vì doanh nghiệp muốn niêm yết phải có lợi nhuận. Do đó, dù Việt Nam nói nhiều về 4.0, xanh, chuyển dịch năng lượng hay thương mại điện tử nhưng những lĩnh vực này mới, doanh nghiệp còn lỗ nên không thể niêm yết, khiến cấu trúc thị trường vốn không đa dạng. Cuối cùng, bên mua (Buyer) vẫn chưa thấy đủ chính sách tạo động lực lớn.
Ông Oh Hsiu-Hau, Luật sư điều hành Allen & Gledhill khuyến nghị có thêm nghị định, thông tư để hướng dẫn các luật mới ban hành. “Vẫn còn những vùng xám cần quy định chi tiết. Nhưng dù sao, hành lang pháp lý đã tạo ra sân chơi mới, thể hiện nguyện vọng rõ ràng chính phủ muốn cải cách, nên có thể tạo tiếng vang trên thị trường M&A và thu hút đầu tư thời gian tới”, ông nói.
Với doanh nghiệp có nhu cầu bán, Nguyễn Công Ái khuyến nghị chú trọng tiêu chí ESG ((Môi trường, Xã hội và Quản trị) từ đầu vì đây là yếu tố quan trọng mà hầu hết nhà đầu tư trong và ngoài nước đều đang quan tâm. ESG không chỉ giúp tăng sức hấp dẫn mà còn tác động trực tiếp đến giá trị dài hạn của doanh nghiệp trong mắt nhà đầu tư. Ngoài ra, xem xét ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vì nó là chìa khóa để tăng năng suất, tối ưu hóa hoạt động và đảm bảo sự phát triển bền vững.
Viễn Thông